Hội thảo "Sơn La với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở"

Ngày 17/10, Tỉnh ủy Sơn La phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo “Sơn La với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở”.

Hội thảo "Sơn La với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở"


Các đồng chí: Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La; PGS, TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, chủ trì Hội thảo.
Dự Hội thảo có các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng lý luận Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các nhà khoa học; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, các huyện, thành phố.

Trước khai mạc hội thảo, các đại biểu đã dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ ở Quảng trường Tây Bắc.

Các đại biểu dâng hương Đền thờ Bác Hồ tại Quảng trường Tây Bắc.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Quảng trường Tây Bắc trước giờ khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, khẳng định: Trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh Sơn La đã tập trung lãnh đạo công tác xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết các dân tộc; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; đảm bảo quốc phòng, an ninh; xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh, bền vững”. Ngay sau Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 21/1/2021 về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng ở đảng bộ xã, phường, thị trấn gắn với củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Quá trình triển khai thực hiện đã đạt được những kết quả tích cực; nhiều cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo, xây dựng và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao, đảm bảo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; số tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh, đảng viên "Hoàn thành tốt nhiệm vụ" hằng năm trở lên đạt tỷ lệ cao, cơ sở yếu kém giảm; công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ, phát triển đảng viên… được quan tâm, chú trọng; nhiều cấp ủy viên, cán bộ, đảng viên được rèn luyện, trưởng thành qua thực tiễn công tác, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh những năm qua.

Đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát huy những kết quả đạt được, quyết tâm khắc phục các hạn chế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã xây dựng và ban hành Kế hoạch về “Nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện kết luận, quy định của Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; tổ chức đợt sinh hoạt chính trị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, trong đó có nội dung phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo “Sơn La với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở” nhằm tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa “xây” và “chống”, xây là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, chống là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên.

Đồng chí tin tưởng rằng, với những tư liệu mới, nhận thức mới, những kinh nghiệm từ thực tiễn được trình bày trong các tham luận tại Hội thảo sẽ là những thông tin quý giá, góp phần làm rõ hơn, sâu hơn, có hệ thống và đầy đủ hơn về sự cần thiết, vị trí, vai trò của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở. Đồng thời đánh giá đầy đủ và sâu sắc hơn về thực trạng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị cơ sở ở Sơn La, qua đó đề xuất những giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu trao đổi trước giờ khai mạc Hội thảo.

Hội thảo “Sơn La với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở” có 46 bài tham luận của các các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học đến từ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Học viện Chính trị Khu vực I, Học viện Báo chí Tuyên truyền, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La và các đồng chí bí thư chi bộ, đảng bộ cơ sở trên địa bàn tỉnh Sơn La, tập trung vào các nội dung: Một số vấn đề lý luận, thực tiễn về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến", "tự chuyển hoá”; Quan điểm chỉ đạo, những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá để đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong thực tiễn ở địa phương, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp; Đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.

Trình bày tham luận “Nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức, hoạt động của Đảng và sự vận dụng trong tình hình hiện nay”, PGS, TS Nguyễn Chí Hiếu, Vụ trưởng, Trưởng ban Xây dựng Đảng, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh 5 nguyên tắc tổ chức và hoạt động Đảng Cộng sản Việt Nam, bao gồm: Tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; đoàn kết thống nhất; Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân và Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Trong đó, tập trung dân chủ có vị trí, tầm quan trọng đặc biệt, được xem là nguyên tắc căn bản, chi phối các nguyên tắc khác.

PGS, TS Nguyễn Chí Hiếu, Vụ trưởng, Trưởng ban Xây dựng Đảng, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản


Trong thời gian qua, nhờ thực hiện nghiêm nguyên tắc này, chế độ tập trung, kỷ cương, kỷ luật trong Đảng được giữ vững. Những quyết sách lớn của Đảng đều được tổ chức thảo luận rộng rãi, lấy ý kiến đóng góp của đảng viên và tổ chức đảng từ cơ sở. Sinh hoạt chi bộ, các hội nghị của Đảng đều được tiến hành dân chủ, bàn bạc công khai, quyết theo đa số; dân chủ trong Đảng ngày càng được mở rộng.
Đồng thời, công tác cán bộ cũng đã được chú trọng hơn, với yêu cầu phải tiến hành theo những quy trình, quy định, các bước chặt chẽ, công khai, dân chủ, minh bạch; đặc biệt, công tác bầu cử với những quy định mới bước đầu tạo ra sự công bằng về cơ hội, tạo niềm tin, động lực phấn đấu cho chính đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tình trạng cục bộ, mất đoàn kết trong đội ngũ cán bộ được chấn chỉnh, những tổ chức, cá nhân vi phạm bị xử lý kịp thời, nghiêm minh, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Để vận dụng có hiệu quả nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, PGS, TS Nguyễn Chí Hiếu cho rằng cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau, như: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng, giá trị lý luận và thực tiễn to lớn của việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; luôn xác định việc thực hiện tốt nguyên tắc này là một trong những yêu cầu quan trọng để xây dựng đoàn kết thống nhất trong các tổ chức đảng, phát huy trí tuệ, sức mạnh tổng hợp và động lực phát triển nhanh, bền vững đất nước trong giai đoạn cách mạng mới.
Cần tiếp tục giữ nghiêm kỷ luật để tạo nên sức mạnh, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, đề cao trách nhiệm của các cấp có thẩm quyền, người đứng đầu và người tiến cử trong đánh giá, bổ nhiệm cán bộ. Tập trung khắc phục tình trạng nhiều nơi trong đánh giá cán bộ vẫn còn hình thức, chưa phản ánh đúng thực chất, đánh giá cán bộ chưa lấy hiệu quả làm thước đo, còn rơi vào cảm tính, hình thức, xuê xoa, chiếu lệ, thiếu tính chiến đấu, tinh thần xây dựng. Cần bổ sung quy định về tiến cử cán bộ, quy định trách nhiệm của người tiến cử, của cơ quan tham mưu và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc đề nghị bổ nhiệm và ra quyết định bổ nhiệm cán bộ. 

Tập trung xây dựng dựng các thiết chế, cơ chế cho phép phát huy dân chủ, trước hết là bảo đảm thực hiện các quyền của đảng viên, nhất là quyền được thảo luận, chất vấn, phê bình, thông tin, bảo lưu ý kiến. Xác định đúng những nội dung cốt lõi bảo đảm cho việc thực hiện dân chủ trong Đảng. Tăng cường kiểm tra, giám sát kỷ luật đảng; rà soát, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả trong toàn bộ hệ thống chính trị, đi đôi với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Giữ vững các nguyên tắc tổ chức, hoạt động và đề cao kỷ luật, kỷ cương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nghiêm túc thực hiện nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo việc đổi mới, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực trong hệ thống chính trị.

Theo PGS, TS Nguyễn Chí Hiếu, cần phải kiên quyết đấu tranh chống những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ. Vì trên thực tế, nguyên tắc tập trung dân chủ luôn là mục tiêu công kích, xuyên tạc của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, xét lại và những người nhân danh dân chủ, mượn danh dân chủ để xuyên tạc, công kích, hòng phá hoại các đảng cộng sản nói chung và Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng. Những luận điệu phản động cho rằng thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ là nhằm mục đích “bảo vệ vị trí độc tài” của Đảng và “thao túng quyền lực” của một nhóm người trong Đảng; việc Đảng thực hành tập trung dân chủ trong Đảng và trong xã hội chỉ là sự “ảo tưởng”, “mị dân”... đều là sự xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung, nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức, hoạt động của Đảng nói riêng, cần phải kiên quyết đấu tranh bác bỏ.

Với tham luận: Đảng ta “là đạo đức, là văn minh”, TS Đoàn Văn Báu, Vụ Trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: “Đạo đức”, “Văn minh” được thể hiện rõ nét qua công tác xây dựng Đảng trên các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; qua việc hoạch định và lãnh đạo thực hiện đường lối, chủ trương, nguyên tắc tổ chức và hoạt động, tác phong, lề lối, phương thức làm việc, phong cách, ứng xử, đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Không ngừng xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ vô cùng quan trọng để củng cố nền tảng, sức mạnh nội sinh của Đảng, nâng cao sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo của Đảng, xứng đáng với sứ mệnh, vai trò lãnh đạo, dẫn dắt sự nghiệp cách mạng của dân tộc từng bước đi đến đích cuối cùng.

TS Đoàn Văn Báu, Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng ta “là đạo đức, là văn minh” vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự, ý nghĩa thời đại sâu sắc, là nền tảng lý luận cho công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng ta “là đạo đức, là văn minh”, việc xây dựng văn hóa Đảng cần tập trung thực hiện các giải pháp cơ bản sau: Một là, thực hành văn hóa trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân trong Đảng. Hai là, xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng để cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện, các chuẩn mực không tách rời với văn hóa dân tộc. Ba là, tăng cường rèn luyện đạo đức cách mạng cho mỗi cán bộ, đảng viên. Bốn là, thực hành sâu rộng văn hóa tự phê bình và phê bình trong Đảng. Năm là, coi trọng văn hóa nêu gương theo tinh thần Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW.

Tham luận về phát huy vai trò của báo chí, truyền thông trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, PGS.TS Nguyễn Thắng Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Lý luận chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, khẳng định: Báo chí cách mạng là một công cụ công tác tư tưởng của Đảng, thực hiện vai trò “người tuyên truyền tập thể” và là “người tổ chức tập thể”, truyền đạt đường lối, chủ trương của Đảng, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật của Nhà nước tới các đối tượng trong xã hội.

PGS.TS Nguyễn Thắng Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Lý luận chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Đưa ra giải pháp tăng cường phát huy vai trò báo chí trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa, đồng chí nhấn mạnh: Các cấp ủy, cơ quan tham mưu cấp ủy về công tác tuyên giáo, tổ chức - cán bộ cần có quy định thống nhất về tiếp nhận thông tin trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng, công luận. 
Các cơ quan báo chí cần dành thời lượng phù hợp cho chủ đề xây dựng và chỉnh đốn Đảng, được xác định là then chốt hiện nay, trong đó, tăng cường chủ đề về công tác cán bộ, là “then chốt của then chốt”, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ nhà báo toàn diện về lý luận chính trị, chuyên môn và kỹ năng, nghiệp vụ. Đặc biệt, đối với đội ngũ nhà báo trực tiếp thực hiện bài về chính trị, xây dựng Đảng, cần đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước.

Các đại biểu dự Hội thảo

Trong phần lý luận và thực tiễn về công tác xây dựng, chính đốn Đảng và củng cố hệ thống chính trị, Hội thảo tiếp tục được nghe các tham luận của các nhà khoa học. Các tham luận thống nhất cao quan điểm: Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của các cấp uỷ, tổ chức đảng, gắn với thực hiện Cương lĩnh, Điều lệ và các chủ trương, đường lối của Đảng, được đặt trong tổng thể nhiệm vụ đổi mới, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, bảo đảm thực hiện đúng cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ".

PGS,TS Phạm Minh Tuấn, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

TS Phạm Hồng Vĩnh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức - cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương.

TS Phạm Thị Thu Huyền, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng, Ban Tổ chức Trung ương.

Các tham luận đề cập đến nhiệm vụ tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh, đây là yêu cầu quan trọng hàng đầu, là đòi hỏi tất yếu trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tính đồng bộ, sự phù hợp giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Gợi mở từ thực tiễn cơ sở ở tỉnh Sơn La, đồng chí Lê Hồng Long, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sơn La đã tham luận với nội dung “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng ở đảng bộ xã, phường, thị trấn gắn với củng cố hệ thống chính trị cơ sở”.

Đồng chí Lê Hồng Long, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sơn La

Trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh Sơn La đã tập trung lãnh đạo nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Nhiều cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo, xây dựng và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao, đảm bảo đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; công tác xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh được đẩy mạnh, số tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm trở lên đạt tỷ lệ cao, cơ sở yếu kém giảm; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cấp ủy viên, bí thư cấp ủy cơ sở được quan tâm.

Các đại biểu dự Hội thảo.


​​​​Đồng chí Lê Hồng Long đã nêu một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng ở đảng bộ xã, phường, thị trấn gắn với củng cố hệ thống chính trị cơ sở, như: Lãnh đạo công tác xây dựng Đảng gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của đảng bộ xã, phường, thị trấn và lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị - tư tưởng. Xây dựng đội ngũ cấp ủy viên vững mạnh, có sức chiến đấu cao, thực sự đoàn kết, thống nhất. Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, duy trì nghiêm túc chế độ, các nguyên tắc, phát huy dân chủ, đảm bảo sự thống nhất trong đảng, tăng cường quản lý, giáo dục đảng viên. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất, trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Tiếp tục kiện toàn, sắp xếp, đổi mới phương thức lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng ở đảng bộ xã, phường, thị trấn và các tổ chức đảng trực thuộc. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh đối với tổ chức đảng và đảng viên.

Tham luận về “Công tác dân vận trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ trên địa bàn tỉnh Sơn La", đồng chí Lưu Minh Quân, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ đã dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Khẳng định, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Bác Hồ và Đảng ta luôn nhận thức sâu sắc vai trò to lớn của nhân dân, ý nghĩa cực kỳ quan trọng của công tác dân vận, thường xuyên chăm lo xây dựng và củng cố mối liên hệ chặt chẽ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Đồng chí Lưu Minh Quân, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ

Từ kết quả đã đạt được, nhìn thẳng vào những hạn chế, tồn tại, Ban Dân vận Tỉnh uỷ đã rút ra một số kinh nghiệm về công tác dân vận trong đấu tranh ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, như: Các cấp ủy đảng phải làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên, nhân dân về mục đích, ý nghĩa, những quan điểm chỉ đạo và nội dung của nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình hiện nay. Lãnh đạo, chỉ đạo việc công khai, minh bạch thông tin, phân công trách nhiệm, quy định rõ nội dung, hình thức, phạm vi, thời gian, địa điểm công khai để nhân dân dễ biết, dễ hiểu, dễ giám sát. Thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, các quy định của pháp luật. Phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp thường xuyên tự soi, tự sửa, tự nhận diện các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các biểu hiện “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa” trong nội bộ để kịp thời khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm, hạn chế, yếu kém và những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong từng tổ chức, cơ quan, đơn vị và cá nhân, góp phần tích cực vào công tác xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh…

Thay mặt Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trình bày tham luận: “Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong thực tiễn ở địa phương, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp”.

Đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham luận tại Hội thảo


Tham luận đi sâu phân tích việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để bổ sung nhân lực cho các cơ quan, đơn vị bảo đảm khách quan, công bằng đúng quy định của pháp luật. Để đổi mới công tác quản lý công chức, viên chức, UBND tỉnh xây dựng đề án thi nâng ngạch gửi Bộ Nội vụ phê duyệt, tổ chức thi nâng ngạch theo đúng quy định của pháp luật. Kết quả: Từ năm 2016 - 2020, đã tổ chức thi thăng hạng và nâng ngạch lên chuyên viên chính, chuyên viên và tương đương cho 621 người. Tham mưu, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác điều động, quản lý, sử dụng công chức, viên chức đối với 1.293 trường hợp; thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, như nâng bậc lương, bổ nhiệm, miễn nhiệm ngạch cho 1.376 trường hợp. Thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg, ngày 5/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 23/5/2017, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND về đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ công chức. Đến nay, kỷ luật, kỷ cương hành chính được chấn chỉnh đi vào nề nếp; quy chế làm việc của các cơ quan, đơn vị được rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới kịp thời, phù hợp với các quy định hiện hành và tổ chức thực hiện nghiêm túc.

Đồng chí Lò Thị Thủy, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Sơn La tham luận tại Hội thảo

Tham luận về “Một số kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ở Đảng bộ thành phố Sơn La”, đồng chí Lò Thị Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Sơn La, nhấn mạnh: Thường xuyên đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; đổi mới phương pháp tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nắm vững và vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn của địa phương. Phát huy và nâng cao trách nhiệm của các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy trong công tác triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Trong quá trình lãnh đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị, cần thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ; đồng thời, tạo sự đồng thuận, thống nhất, đoàn kết trong hệ thống chính trị, dân chủ trong Đảng; sự ủng hộ của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Không ngừng đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quy hoạch, kế hoạch, xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá để tập trung chỉ đạo và ưu tiên thực hiện. Đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy các cơ quan đảng, nhà nước đoàn thể các cấp bảo đảm hiệu quả. Tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân và tổ chức đối thoại với nhân dân theo quy định…

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Tham luận: “Đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đội ngũ đảng viên đáp ứng yêu cầu công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới ở xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La” đã mang đến Hội thảo những thực tiễn sinh động trong công tác xây dựng Đảng ở cơ sở. Bà Lò Lan Phương, Bí thư Đảng ủy xã Nà Nghịu nhấn mạnh: Là xã vùng III, có tổng diện tích tự nhiên 10.182 ha, 17.518 nhân khẩu, có 37 bản, trong đó 25 bản đặc biệt khó khăn, Đảng ủy xã Nà Nghịu đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cụ thể hóa và ban hành 939 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc nảy sinh tại địa bàn, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng để mở rộng quy hoạch thị trấn lên đô thị loại IV. Công tác xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh được đẩy mạnh; hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn. Công tác phát triển đảng viên được chú trọng, tập trung phát triển đảng đối với chi bộ ít đảng viên, cán bộ không chuyên trách ở bản, số lượng đảng viên nữ, trẻ, người dân tộc thiểu số tăng. Chất lượng đội ngũ đảng viên chuyển biến tích cực, trình độ nhận thức được nâng lên. Thực hiện tốt Kết luận số 1037-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương bố trí bí thư chi bộ đồng thời là trưởng bản, tiểu khu, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Có 35/37 bản bố trí bí thư chi bộ đồng thời là trưởng bản…

Bà Lò Lan Phương, Bí thư Đảng ủy xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã.

Nguồn tin: baosonla.org.vn


Gửi ban biên tập
Văn bản Mới
Ảnh hoạt động
Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang truy cập : 3
Hôm nay : 9
Hôm qua : 271
Tổng số lượt truy cập : 648554