ĐBQH HOÀNG THỊ ĐÔI: CẦN PHÂN CẤP PHÂN QUYỀN MẠNH HƠN CHO ĐỊA PHƯƠNG ĐỂ ĐẨY NHANH THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN QUAN TRỌNG
Chiều ngày 07/01, tại điểm cầu Sơn La, tham gia thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Hoàng Thị Đôi, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La đã có những phát biểu trách nhiệm và tâm huyết.
Đại biểu Hoàng thị Đôi - Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La phát biểu thảo luận.
Tham gia thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Hoàng Thị Đôi, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La cho rằng, trong lĩnh vực lao động, việc làm và an sinh, xã hội, dự thảo Nghị quyết “sẽ sử dụng 6,6 nghìn tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 để hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động” là hợp lý để hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho người lao động. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, việc dùng 1 khoản ngân sách để hỗ trợ ‘thuê nhà trọ’ cho người lao động là chưa toàn diện, đối tượng thụ hưởng tương đối hẹp, chưa tính đến lực lượng lao động phi chính thức (trong khi đó người lao động phi chính thức rất đông, chiếm tỷ lệ trên 54% lao động và lực lượng này cũng bị ảnh hưởng rất nặng nề và gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch covid-19).
Việc xây dựng chính sách sẽ tăng thêm nguồn lực, tuy nhiên về tổng thể đây là chương trình trung hạn, là bước đệm cho phát triển dài hạn các giai đoạn tiếp theo, do đó đề nghị cần có giải pháp hỗ trợ người lao động toàn diện, dài hơi và bền vững về việc làm, cả ở khu vực trung tâm thu hút lao động chính thức và lao động phi chính thức, và tại các địa phương, khi có một bộ phận lao động di chuyển về quê trong thời kỳ ảnh hưởng của dịch.
Về 2 phương án (theo Tờ trình của Chính phủ), cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam cho đến khi cơ quan có thẩm quyền công bố hết dịch COVID-19, Đại biểu Hoàng Thị Đôi đề nghị lựa chọn Phương án 1. Phương án này thể hiện sự ghi nhận, động viên toàn diện hơn đối với các doanh nghiệp, tổ chức trong việc chung tay, ủng hộ công tác phòng chống dịch.
Ngoài ra, đại biểu Hoàng Thị Đôi cũng kiến nghị: Cần có cơ chế, chính sách cho phép các địa phương khi triển khai dự án được tách dự án Giải phóng mặt bằng ra thành dự án riêng, để thuận lợi và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho địa phương để đẩy nhanh thực hiện các dự án quan trọng, như: Phân cấp cho địa phương các dự án nhóm A, nhóm B; Phân cấp, phân quyền, bố trí nguồn vốn cho địa phương thực hiện các đoạn tuyến/dự án đường cao tốc theo hình thức đầu tư công đi qua địa bàn; Phân cấp cho Thường trực HĐND cấp tỉnh một số thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh; cho phép chủ đầu tư được khai thác mỏ khoáng sản nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng dự án làm vật liệu xây dựng thông thường để thực hiện dự án không phải thực hiện thủ tục cấp phép. Đồng thời đề nghị chính quyền địa phương có phương án quản lý, giám sát thật tốt; phân cấp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số thẩm quyền của Quốc hội liên quan đến đất lúa, đất rừng; quyết định phương án điều chỉnh, phân bổ vốn đầu tư công của Chương trình và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025; Đề nghị xem xét bổ sung giải pháp về hỗ trợ để phục hồi sản xuất, xử lý đầu ra cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt là đối với một số địa phương, vùng bắt đầu hình thành vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, có giá trị kinh tế ... do bị ảnh hưởng của dịch bệnh nên gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ đầu ra của sản phẩm./.
Thúy Hà
Nguồn tin: https://quochoi.vn/