ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG CỦA MẶT TRẬN TRONG ĐIỀU KIỆN MỚI
Sáng 9/3, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đã chủ trì Hội nghị nghiệm thu đề tài khoa học cấp bộ “Đổi mới phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới”.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội nghị |
Theo TS. Lê Mậu Nhiệm, Chủ nhiệm đề tài, đổi mới phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng là vấn đề cấp thiết, cấp bách, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc và cũng là một yêu cầu thường xuyên của Mặt trận nhằm bảo đảm cho hoạt động của Mặt trận đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Việc đổi mới xuất phát từ yêu cầu phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong việc tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân trong điều kiện mới. Với bề dày lịch sử trong suốt 90 năm qua và trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay, MTTQ Việt Nam đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện theo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phát huy sự đồng thuận, đoàn kết trong nhân dân nhằm góp phần vào sự nghiệp đổi mới của đất nước; đồng thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và kịp thời phản ánh tới Đảng, Nhà nước.
Bên cạnh đó, việc đổi mới cũng nhằm khắc phục những hạn chế trong hoạt động của MTTQ Việt Nam ở một số nơi như: chậm đổi mới phương thức theo hướng phù hợp với cơ chế mới; việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân ở một số nơi vẫn còn chậm; công tác tuyên truyền, vận động đôi lúc, đôi khi chưa phù hợp với nhiều đối tượng tiếp nhận thông tin trong xã hội;…
Xuất phát từ thực tế đó, nhóm đề tài đã đưa ra phương hướng và 6 giải pháp đổi mới phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đến năm 2030. Theo đó, tập trung vào giải pháp về nhận thức; giải pháp về tổ chức thực hiện; giải pháp về chăm lo, bảo vệ lợi ích thiết thực chính đáng, hợp pháp của nhân dân; giải pháp về Mặt trận vận động, phát huy vai trò của nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh; giải pháp Mặt trận cần đổi mới về phương thức hoạt động theo hướng gắn bó thường xuyên, mật thiết với nhân dân, tập trung hướng mạnh về cơ sở, sát địa bàn, sát dân; giải pháp về tăng cường và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với MTTQ Việt Nam.
Tại Hội nghị, thành viên Hội đồng đã đánh giá cao nội dung đổi mới của đề tài khi đặt trong điều kiện mới, tình hình mới đến năm 2030, từ đó góp phần vào việc nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng cán bộ Mặt trận phù hợp với tình hình hiện nay.
Quang cảnh Hội nghị |
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh, đề tài đã bám sát nội dung đề ra, trong quá trình triển khai, Hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài đã nhận được 25 bài tham luận của Mặt trận các tỉnh, thành phố, các sản phẩm đều đáp ứng yêu cầu của một đề tài khoa học cấp bộ và nội dung đã đáp ứng được yêu cầu đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đề nghị, nhóm nghiên cứu tiếp tục tiếp thu những ý kiến góp ý của thành viên Hội đồng để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện các nội dung, phương thức đổi mới mà đề tài nêu.
“Nhóm tác giả cần bám sát tinh thần Thông báo Kết luận số 160-TB/TW, ngày 15/01/2020 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Kết luận số 62-KL/TW, ngày 08/12/2009 của Bộ Chính trị, làm rõ hơn và bổ sung một số nội dung trong các nhóm giải pháp”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng gợi mở.
Với tính cấp thiết của đề tài, Hội đồng đánh giá đề tài đoạt loại khá.
Thành viên Hội đồng chụp ảnh lưu niệm cùng nhóm thực hiện đề tài |
Nguồn tin: http://mattran.org.vn/