Phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong đấu tranh phòng, chống suy thoái về đạo đức của cán bộ, đảng viên

Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã trải qua hơn 90 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn chú trọng việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; công tác xây dựng Đảng về đạo đức; luôn quan tâm chăm lo giáo dục, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nhờ đó, đa số cán bộ, đảng viên có quan điểm, lập trường tư tưởng vững vàng, giữ gìn phẩm chất đạo đức, vai trò tiên phong, gương mẫu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, động viên, khích lệ nhân dân vượt qua khó khăn, thách thức, đưa công cuộc đổi mới ở nước ta đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Thành tựu sau 35 năm đổi mới là thành quả của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có sự đóng góp của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Tuy nhiên, công tác xây dựng Đảng về đạo đức vẫn còn có những hạn chế,  Đại hội XII của Đảng nhận định: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước [1]. Đến Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống của một số cán bộ đảng viên chưa thường xuyên, nền nếp, vẫn còn tình trạng nói không đi đôi với làm; không tuân thủ nguyên tắc của Đảng, quan liêu tham nhũng, lãng phí, cá nhân chủ nghĩa, cơ hội thực dụng, bè phái gây mất đoàn kết nội bộ…Việc đấu tranh với các biểu hiện lệch lạc về đạo đức lối sống chưa mạnh mẽ. Tự phê bình và phê bình ở không ít nơi còn hình thức; tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi; một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm. Việc giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ đảng viên chưa thường xuyên, hiệu quả thấp[2]. Những hạn chế, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên nêu trên đã làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế  độ.

Trong thực hiện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đảng ta hết sức coi trọng vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Trong thời gian qua, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã phát huy tốt vai trò để thực hiện giám sát, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vng mạnh.

Trong nhiệm kỳ XII, dưới sự lãnh đạo của Đảng MTTQ Việt Nam đã tổ chức 10 chương trình giám sát về các vấn đề, lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng đối với toàn xã hội; phản biện xã hội các văn bản quan trọng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các B, ngành. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 721 cuộc giám sát, 784 cuộc phản biện xã hội; cấp huyện tổ chức 6.404 cuộc giám sát, 4.403 cuộc phản biện xã hội và cấp xã tổ chức 49.564 cuộc giám sát, 25.834 cuộc phản biện xã hội. MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội các cấp và nhân dân đã có 32.064 ý kiến góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền [3].

Lãnh đạo huyện Thuận Châu phối hợp với huyện Quỳnh Nhai, Mường Lađối thoại với các hộ dân thuộc điểm TĐC Bó Phúc, Huổi Pản, xã Mường Khiêng (Thuận Châu)

MTTQ Việt Nam các cấp ở địa phương đã tổ chức được hàng chục nghìn cuộc phản biện xã hội với nhiều dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lợi ích của nhân dân như: Chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội, ổn định đời sống và sản xuất cho dân sau tái định cư thủy điện... Nhiều ý kiến phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể các cấp được đánh giá cao, trở thành thông tin quan trọng, cần thiết giúp cho Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, cũng như góp phần vào công tác xây dựng Đảng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội vẫn còn một số hạn chế. Đại hội XIII của Đảng đã nhận định “Vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân ở một số nơi chưa thường xuyên, hiệu quả còn thấp, nhất là giám sát việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ đảng viên [4].  Việc phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở nhiều địa phương còn mang tính hình thức; còn biểu hiện nể nang, né tránh, ngại va chạm; kỹ năng, năng lực trình độ của cán bộ còn hạn chế; nhận thức của một số cán bộ Mặt trận về hoạt động giám sát chưa được đầy đủ. Hoạt động lấy ý kiến, huy động sự tham giám sát của nhân dân còn đơn điệu. Nhiều nơi, việc đặt hòm thư góp ý của cơ quan, đơn vị được tiến hành thường xuyên nhưng hiệu quả không cao. Do đó, nhiều hiện tượng tiêu cực không được phát hiện, ngăn ngừa kịp thời, đây là một thực tế cần tìm giải pháp khắc phục triệt để.

Bên cạnh đó ở một số nơi, MTTQ và các đoàn thể chưa làm tốt vai trò là chỗ dựa cho quần chúng nhân dân thực hiện phê bình, góp  ý và giám sát cán bộ, đảng viên. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng quần chúng nhân dân không tin tưởng vào tiếp nhận, xử lý ý kiến, kiến nghị của một số tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể dẫn đến khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài, nhất là lĩnh vực đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, thu hồi đất của dân. Những vấn đề này đều liên quan đến trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong hệ thống công quyền. Để giải quyết được vấn này và đem lại quyền, lợi ích chính đáng cho nhân thì rất cần đến vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong việc giám sát các cơ quan chức năng.

Trong thực tiễn chưa có quy định cụ thể, chưa có cơ chế để MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. MTTQ Việt Nam chưa có hướng dẫn cụ thể để phát huy vai trò của Ban công tác Mặt trận khu dân cư trong việc nhận xét, lấy ý kiến hằng năm và đột xuất đối với cán bộ, đảng viên có biểu hiện vi phạm về đạo đức, lối sống.

Khi phân tích về nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã chỉ rõ: Một trong nguyên nhân cơ bản là Vai trò giám sát của nhân dân thông qua MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội chưa được phát huy cao” [5]. Do đó, việc phát huy hiệu quả vai trò giám sát của nhân dân trong thực thi chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên là giải pháp giữ vị trí quan trọng trong huy động sự tham gia của nhân dân vào phòng, chống suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là cần thiết hiện nay để góp phần xây dụng Đảng trong sạch, vững mạnh.

          Để tiếp tục nâng cao hiệu quả việc phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong đấu tranh phòng, chống suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên trong công tác xây dựng Đảng, trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:

          Một là, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động; phát huy vai trò chủ thể, chủ động làm tốt việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hằng năm. Đại hội XIII của Đảng đã xác định nhiệm vụ của MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội: Thực hiện có hiệu quả việc giám sát của các cơ quan dân cử, MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu và cán bộ chủ chốt [6]. Nâng cao chất lượng công tác giám sát và phản biện xã hội, đóng góp ý kiến của MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân; đa dạng hóa các hình thức tổ chức và phương thức tập hợp vận động, nhân dân...Tiếp tục cụ thể hoá, phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng [7].

Hai là, tăng cường sự phối hợp giữa MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong thực hiện giám sát và tham gia đấu tranh phòng, chống suy thoái về đạo đức của cán bộ, đảng viên.

Hoạt động giám sát của  MTTQ Việt Nam chỉ có thể phát huy có hiệu quả khi có sự phối hợp và thực hiện một cách đồng bộ với các hoạt động giám sát của các cơ quan tổ chức khác trong hệ thống chính trị. MTTQ Việt Nam các cấp phát huy vai trò chủ trì phối hợp với các thành viên lắng nghe ý kiến nhân dân, dư luận xã hội, báo chí để góp ý kịp thời với Đảng, Nhà nước, với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Mặt trận đề xuất về nội dung, phương pháp phù hợp để đấu tranh phòng, ngừa các biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh.

Đối với chính quyền có chương trình phối hợp cụ thể hằng năm với MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp, tạo điều kiện để các tổ chức này thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội của mình. Tiếp thu, trả lời kịp thời những kiến nghị của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Nâng cao chất lượng hoạt động và sự tham gia tích cực của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng vào công tác này. 

Ba là,  MTTQ Việt Nam các tổ chức chính trị - xã hội cần phát huy tốt vai trò của nhân dân tham gia giám sát, phát hiện biểu hiện suy thoái về đạo đức của cán bộ đảng viên.

 Muốn phát huy được vai trò của nhân dân trong việc giám sát để xây dựng Đảng, chính quyền thì MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội cần phải nghiên cứu xây dụng quy định cụ thể, quy trình tập hợp ý kiến nhân dân; phát huy tốt vai trò và trí tuệ của các y viên Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, các cá nhân tiêu biểu, các nhân sĩ, trí thức, người có uy tín, dân tộc, tôn giáo...nhất là cấp cơ sỏ. Trong đó, phải thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia giám sát người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cp trong thực hiện các quy định về nêu gương.

       Vận động nhân dân chủ động, tích cực tham gia có hiệu quả trong việc giám sát cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đại biểu dân cử; theo dõi, phát hiện và tố giác các hành vi vi phạm của cán bộ, đảng viên, công chức. Thực hiện tốt quy định, quy trình bảo vệ người tố cáo, biểu dương, khen thưởng kịp thời để khuyến khích việc nhân dân tham gia tố giác; phát huy có hiệu quả vai trò của nhân dân tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, đảng viên tại cơ sở.

Bốn là, để thực hiện tốt vai trò giám sát, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cần có biện pháp nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp cơ sở; làm tốt công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ; rèn luyện kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ Mặt trận và đoàn thể.

MTTQ Việt Nam cần có đề xuất với Đảng, Nhà nước để cụ thể hóa cơ chế cho MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. MTTQ Việt Nam cần có hướng dẫn cụ thể để phát huy vai trò của Ban công tác Mặt trận khu dân cư trong việc nhận xét, lấy ý kiến hằng năm và đột xuất đối với cán bộ, đảng viên có biểu hiện vi phạm về đạo đức, lối sống.

Năm là, các cấp ủy, tổ chức Đảng tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, quy định về chuẩn mực đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp vào chương trình, nội dung sinh hoạt chi bộ, cơ quan, đoàn thể. Cấp ủy Đảng và người đứng đầu phải luôn quán triệt và thực hiện tốt việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ở mọi nơi, mọi lúc, mọi công việc và trong các mối quan hệ. Thực hiện nghiêm túc yêu cầu kiểm điểm, tự phê bình và phê bình của tập thể, cá nhân về kết quả thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và các quy định về việc thực hiện trách nhiệm nêu gương trong đánh giá, xếp loại tổ chức đảng và đảng viên theo hướng dẫn của cấp trên.

Sáu là, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải ý thức và cảm thấy cần phải thực hành tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” như một nhu cầu tự thân, tự giác tu dưỡng một cách bền bỉ, nghiêm túc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ: Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng màu càng sáng, vàng càng luyện càng trong” [8]. Mỗi cán bộ, đảng viên cần xây dựng nền nếp, thường xuyên tu dưỡng, nâng cao đạo đức cách mạng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, có năng lực, trách nhiệm và động cơ đúng đắn, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu. Đồng thời, mỗi đảng viên cần thực sự sâu sát với quần chúng, quý trọng nhân dân, tuyên truyền và tổ chức hiệu quả cho quần chúng thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, hòa mình vào thực tiễn cách mạng./.

Chú thích:

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXB.Chính trị quốc gia, H.2016, tr.185

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB.Chính trị quốc gia, H.2021, tập 2, tr. 178, 179

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB.Chính trị quốc gia, H.2021, tập 2, tr.205

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB.Chính trị quốc gia, H.2021,tập 2, tr.206

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghi lần thứ tư BCH TW khóa XI, sđd,  tr 25

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB.Chính trị quốc gia, H.2021,tập 2, tr.238

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB.Chính trị quốc gia, H.2021,tập 2, tr.249

[8]. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11, tr. 612

Bùi Thị Hậu - Trường Chính trị tỉnh Sơn La


Gửi ban biên tập
Văn bản Mới
Ảnh hoạt động
Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang truy cập : 1
Hôm nay : 9
Hôm qua : 257
Tổng số lượt truy cập : 571030