Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Sốp Cộp tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với Đề án phát triển mô hình du lịch nông thôn tại bản Mường Và, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La giai đoạn 2023 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
Sáng ngày 21/7/2023, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam huyện Sốp Cộp tổ chức Hội nghị phản biện đối với Đề án phát triển mô hình du lịch nông thôn tại bản Mường Và, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp giai đoạn 2023 – 2025 và định hướng đến năm 2030.
Dự có đồng chí Tòng Thị Kiên - Phó chủ tịch UBND huyện; lãnh đạo các đoàn thể chính trị - xã hội huyện; trưởng các phòng, ban chuyên môn huyện; các thành viên Ban tư vấn kinh tế - xã hội và trưởng Ban tư vấn Dân chủ - Pháp luật của Ủy ban MTTQVN huyện; lãnh đạo và công chức văn hóa xã Mường Và. Đồng chí Quàng Văn Chiêng - UVBTV huyện ủy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện chủ trì hội nghị.
Đồng chí Quàng Văn Chiêng – UVBTV huyện ủy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện chủ trì hội nghị
Tại hội nghị lãnh đạo Phòng Văn hóa – thông tin đã trình bày tóm tắt đề án phát triển mô hình du lịch nông thôn tại bản Mường Và xã Mường Và: Đề án phát triển mô hình du lịch nông thôn tại bản Mường Và xã Mường Và huyện Sốp Cộp giai đoạn 2023 – 2025 và định hướng đến năm 2030 gồm 3 phần: Phần I. Sự cần thiết và căn cứ xây dựng đề án; phần II. Tiềm năng phát triển du lịch nông thôn tại bản Mường Và; Phần III. Hiện trạng phát triển du lịch nông thôn tại bản Mường Và. Bản Mường Và có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển loại hình du lịch nông thôn, bản có cảnh quan thiên nhiên đẹp, thanh bình, tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên, có văn hóa phong tục tập quán truyền thống của dân tộc Lào, có sản phẩm gạo nếp tan Mường Và gắn với cánh đồng Tổng Na Cỏng Mương, có kiến trúc độc đáo đặc trưng của Tháp Mường Và.
Đề án được phê duyệt, triển khai sẽ góp phần mang lại những hiệu quả về kinh tế và xã hội thúc đẩy nâng cao thu nhập cho người dân địa phương ổn định đời sống góp phần hình thành định hướng xây dựng nông thôn mới khu vực miền núi phía bắc. Mô hình thành công giúp huyện trở thành điểm du lịch nông thôn tiên phong của tỉnh Sơn La và của vùng Tây bắc phát huy những giá trị tài nguyên tự nhiên, văn hóa của bản, đưa hình ảnh Tháp Mường Và cũng như các sản phẩm gạo nếp tan, vải thổ cẩm …nổi tiếng tới khách tham quan du lịch trong tỉnh và ngoài tỉnh.
Việc UBND huyện xây dựng Đề án phát triển mô hình Du lịch nông thôn tại bản Mường Và, xã Mường Và huyện Sốp Cộp,tỉnh Sơn La giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030 phù hợp với quy định của pháp luật, đúng với chủ trương đường lối phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng Dân tộc và Miền núi, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra của đòi sống xã hội. Đề án được chuẩn bị theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền, chu đáo, sâu sắc trên cơ sở căn cứ pháp lý, tính khoa học và yêu cầu thực tiễn, đáp ứng nhu cầu phát triển của huyện trong tương lai.
Hội nghị đã có nhiều ý kiến tham gia phát biểu, phản biện đối với Đề án. Kết luận hội nghị đồng chí Quàng Văn Chiêng – UVBTV huyện ủy – Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN huyện đề nghị UBND huyện làm rõ thêm 07 vấn đề, như sau:
Vấn đề 1: Phần nhận định về sự cần thiết của đề án cần có sự dẫn dắt về ý nghĩa, tầm quan trọng, tiềm năng đóng góp của du lịch cộng đồng đối với cơ cấu kinh tế của đất nước, khu vực và địa phương rồi mới đi vào bản Mường Và, xã Mường và, huyện Sốp Cộp.
Vấn đề 2: Chỉ tiêu khách du lịch đến năm 2025 là 500.000 lượt người, trong đó lưu trú đạt 300.000 lượt người; chỉ tiêu đến 2030 là 800.000 lượt người, trong đó lưu trú đạt 500.000 lượt người: Các chỉ tiêu này không khả thi vì lộ trình nguồn vốn thực hiện đề án chưa đáng kể, các hạng mục thành phần của đề án còn đang thực hiện, hệ sinh thái du lịch của địa phương hầu như chưa có.
Vấn đề 3: Việc xác định các vùng tiếp giáp của bản Mường Và chưa đúng, đề nghị xác định lại. Tỷ lệ dân tộc Lào của bản Mường Và chưa đúng thực tế, trong đề án là 90% nhưng thực tế khoảng 63%.
Vấn đề 4: Nghị quyết 41/2022/NQ-HDND ngày 31/8/2022 là của HĐND tỉnh Sơn La chứ không phải của UBND tỉnh. Bổ sung trách nhiệm của UBND huyện trong việc trình kinh phí hàng năm để HĐND huyện quyết nghị phân bổ để thực hiện Đề án theo lô trình
Vấn đề 5: Việc triển khai thực hiện Đề án không được làm ảnh hưởng đến diện tích trồng lúa, vì bản Mường Và là vùng lõi, trung tâm sản xuất nếp Tan Mường Và đã được cấp chỉ dẫn địa lý với sản phẩm OCOP từ năm 2018.
Vấn đề 6: Nghiên cứu bổ sung một số lễ hội, phong tục tập quán, sản phẩm thổ cẩm đặc trưng của dân tộc Lào. Nghiên cứu bổ sung vào quy hoạch xây dựng miếu Pu Già Thẩu ở đồi sau bản Mường Và.
Vấn đề 7: Rà soát, chỉnh sửa bổ sung câu, từ, số liệu cho khớp với các biểu, đúng với các số liệu đã được công bố trong các văn kiện khác.
Ban Thường trực Uỷ ban MTTQVN huyện đề nghị UBND huyện tiếp thu bằng văn bản đối với các ý kiến phản biện, để góp phần vào việc hoàn thiện Đề án./
Tòng Trung Thanh - Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Sốp Cộp